Hành trình đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài cuối): Cần chiến lược tổng thể, dài hạn

VHO- Dù đã được quảng bá ở 70 quốc gia nhưng để phát triển một cách mạnh mẽ, có tên trong chương trình thi đấu chính thức của SEA Games hay được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sẽ là một hành trình dài với Võ cổ truyền Việt Nam.

Hành trình đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài cuối): Cần chiến lược tổng thể, dài hạn - Anh 1

 Phó Cc trưởng Cc TDTT Nguyn Hng Minh cho rng cn phi có mt chiến lược tng th, dài hn để đưa Võ c truyn Vit Nam ra thế giới

 Trong cuộc trao đổi với Văn Hóa về những giải pháp đưa Võ cổ truyền Việt Nam vươn ra thế giới, Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh, chúng ta cần một chiến lược có tính tổng thể dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương.

 Thưa ông, Võ cổ truyền là tinh hoa của võ thuật Việt Nam cũng giống như Taekwondo là võ cổ truyền Hàn Quốc, Karatedo là của Nhật Bản hay Pencak Silat của Indonesia, nhưng vì sao cho tới giờ sự lan tỏa của Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới vẫn chưa được như mong muốn?

- Phó Cục trưởng Cục TDTT Nguyễn Hồng Minh: Trong những năm qua phong trào Võ cổ truyền Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ ở trong nước nhưng việc phát triển, tạo sức lan tỏa ra quốc tế lại chưa được như mong đợi. Một phần cũng bởi nguyên nhân khách quan là Võ cổ truyền có nhiều môn phái nên sự phát triển chưa được đồng nhất ở các nước. Chúng ta lan tỏa ra quốc tế chủ yếu theo con đường của các kiều bào ta ở nước ngoài, có người học được môn phái này, người học được môn phái kia thì gây dựng ở các nước sở tại chứ chưa có được sự thống nhất, chưa có một chiến lược tổng thể, cách làm bài bản để phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã làm được.

Đơn cử như môn Taekwondo, Hàn Quốc đã có một chiến lược tầm cỡ quốc gia. Ở trong nước, họ xác định Taekwondo là môn quốc võ và có các cơ chế, chính sách để Taekwondo phát triển, đưa môn Võ này vào trường học ngay từ các trường mẫu giáo cho đến các bậc tiểu học, trung học, đại học… Để lan tỏa Taekwondo, họ sang các nước phát triển phong trào, hỗ trợ xây nhà tập luyện, chiêu mộ, tài trợ cho các hướng dẫn viên để phổ biến môn võ này. Điểm chung của các môn Võ như Karatedo hay Taekwondo là họ đều đã trải qua quá trình dài lâu để phát triển ở các nước. Chẳng hạn như môn Karatedo, một tài liệu nói rằng, võ sư truyền bá môn này sang Việt Nam từ năm 1940. Taekwondo cũng du nhập vào Việt Nam từ năm 1962, Pencak Silat du nhập vào Việt Nam từ năm 1989. Như vậy, để đạt được độ “phủ sóng” như bây giờ các môn này đều cần có thời gian và Võ cổ truyền Việt Nam nếu muốn vươn ra thế giới cũng vậy.

Vậy bài học từ các nước cho chúng ta những kinh nghiệm gì?

- Đó là một chiến lược tổng thể mang tầm quốc gia. Có thể thấy rằng trước cả làn sóng K-pop thì “xuất khẩu” văn hóa lớn nhất của Hàn Quốc ra các nước chính là Taekwondo và họ đã có chiến lược cho sự phát triển này. Ở nước ta, muốn làm được điều này thì một mình cơ quan chuyên môn không thể đảm đương hết được.

Thực tế trong những năm qua, Đảng, Nhà nước cũng đã quan tâm phát triển Võ cổ truyền bằng nhiều chủ trương cụ thể. Ngày 3.4.2014, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 10/ QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”. Cho đến nay, việc thực hiện Đề án cũng đã thu được nhiều kết quả như việc bảo tồn các bài quyền cổ, bảo tồn các lò võ cổ… Tuy nhiên, để Võ cổ truyền phát triển xứng với tiềm năng, chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm.

Hành trình đưa Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới (Bài cuối): Cần chiến lược tổng thể, dài hạn - Anh 2

 Cn phát huy sc mnh mm ca Võ c truyn Việt Nam

Cụ thể chúng ta sẽ phải làm những gì để đưa Võ cổ truyền ra thế giới?

- Trước hết theo tôi chúng ta cần một chiến lược có tính tổng thể dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương. Tiếp đến chúng ta phải xây dựng, chuẩn hóa được hệ thống kỹ thuật chung, tập hợp các nét đặc sắc nhất của các môn phái Võ cổ truyền để thành các bài tập thống nhất. Nhiệm vụ quan trọng nữa là phát triển phong trào tập luyện và thi đấu võ cổ truyền rộng khắp ở trong nước, trước hết là ở trường học các cấp như cách mà nhiều quốc gia khác đã triển khai. Chúng ta cũng cần đào tạo lực lượng chuyên môn (võ sư) làm nhiệm vụ truyền dạy tinh hoa của võ cổ truyền Việt Nam. Bên cạnh đó cũng cần có nguồn lực và sự phối hợp để có thể mở các cơ sở đào tạo võ cổ truyền ở nước ngoài một cách chính thống, rồi tăng cường hội nhập, giao lưu với quốc tế để quảng bá những nét tinh hoa của Võ cổ truyền Việt Nam.

Mong muốn của chúng tôi là trong các hoạt động ngoại giao văn hóa hoặc khi tổ chức những ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, bên cạnh các tiết mục văn nghệ đặc sắc, chúng ta có thể có màn biểu diễn võ thuật để bạn bè quốc tế thấy thêm một nét hay, nét đẹp trong văn hóa Việt Nam. Chúng ta cũng nên nhìn nhận, việc quảng bá cho Võ cổ truyền không đơn thuần là quảng bá cho một môn Võ mà là quảng bá cho nét văn hóa độc đáo của Việt Nam ra nước ngoài. Thực tế cùng với lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước và truyền thống quật cường, tinh thần thượng võ của một dân tộc yêu chuộng hoà bình, ẩn sâu trong Võ cổ truyền chính là tinh hoa của hàng ngàn năm văn hiến, chứa đựng triết lý nhân văn của người Việt Nam: Học võ là học võ đức trước, luyện tập võ thuật sau, học võ là giúp cho con người hoàn thiện nhân cách để sống có đạo đức, trách nhiệm hơn với gia đình, xã hội và Tổ quốc.

Đưa được Võ cổ truyền Việt Nam ra thế giới là tâm tư, nguyện vọng của những người yêu võ thuật nước nhà và đó cũng là mong muốn của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Chúng tôi rất cần sự chung tay góp sức không chỉ của giới võ thuật mà còn của các Bộ, ngành, địa phương… để cùng biến ước mơ thành sự thật, làm gia tăng sức mạnh mềm văn hóa từ võ cổ truyền.

 Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

ng dng công ngh s vào vic bo tn, phát trin

Để có sức thu hút mạnh mẽ hơn đối với đông đảo nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, trước hết Võ cổ truyền Việt Nam cần được xây dựng, chuẩn hóa về hệ thống kỹ thuật chung từ căn bản đến nâng cao, đảm bảo thống nhất, bài bản, khoa học, phát huy được những thế mạnh, đòn, thế đặc sắc nhất, tinh túy nhất của các môn phái, võ phái nhằm tạo nên sự hấp dẫn, có thể sánh vai với các môn võ thuật của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, bên cạnh 18 bài quyền, bài binh khí đã được tuyển chọn, trong tương lai chúng ta tiếp tục lựa chọn, từng bước bổ sung vào trong chương trình quy định các bài quyền, bài binh khí của các môn phái nhằm tạo nên diện mạo mới, sức sống mới phong phú, giàu bản sắc và củng cố niềm tin, niềm tự hào của Võ cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, bên cạnh việc xây dựng, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hệ thống kỹ thuật, bài tập Võ cổ truyền Việt Nam, chúng ta cần tập trung hoàn thiện quy chế quản lý chuyên môn; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng thi nâng đai, đổi đai, phong đẳng cấp; xây dựng, nâng cao chất lượng giải thi đấu; thậm chí chúng ta có thể nghiên cứu tổ chức giải thi đấu chuyên nghiệp môn Võ cổ truyền Việt Nam. Thứ ba, thời gian tới, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam hỗ trợ Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động để Võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ, lan tỏa ra quốc tế theo Chiến lược ngoại giao văn hóa và hội nhập quốc tế về TDTT của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, hỗ trợ thành lập Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam khu vực Đông Nam Á để quảng bá, phát triển phong trào ở các nước khu vực Đông Nam Á, đồng thời tạo cơ hội đưa môn Võ cổ truyền Việt Nam vào hệ thống thi đấu của các Đại hội thể thao lớn như SEA Games, Asian Games mà mục tiêu trước mắt có thể là SEA Games 2029.

Thứ tư, chúng ta sẽ ứng dụng công nghệ số vào việc bảo tồn, lưu trữ, số hóa nguồn tư liệu và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý và phổ biến, hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật môn Võ cổ truyền. Thứ năm, chúng tôi mong muốn phối hợp với ngành du lịch để gắn kết giữa Võ cổ truyền và các hoạt động du lịch, vừa góp phần quảng bá cho tinh hoa võ thuật dân tộc vừa phát triển nền công nghiệp không khói.

(Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam NGUYỄN NGỌC ANH)

 

THU SÂM - PHAN HIẾU (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc